Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Tết Trung thu: Sự tích và nguồn gốc

Tết Trung thu giờ đây đã trở thành ngày hội với mọi gia đình, nhất là trẻ em. Tết Trung thu đến vào rằm tháng Tám, đang giữa độ mùa thu, mùa mát mẻ và đẹp nhất trong năm.

Từ đầu tháng, người ta đã chuẩn bị những cỗ đèn muôn màu, muôn sắc, hình thù độc đáo, các đồ chơi của trẻ nhất là hình ông tiến sĩ giấy cùng bánh dẻo, bánh nướng, gọi chung là bánh trung thu để đón Tết. Trẻ em mang những lồng đèn màu sắc sặc sỡ thắp sáng thành từng đoàn dài kéo nhau đi các thôn ngõ để ca hát reo vui dưới ánh trăng. Khi những ngày Rằm cận kề, các đoàn múa lân, múa sư tử rầm rộ với tiếng kèn, tiếng trống, tiếng pháo càng thêm náo nhiệt.

Nguồn gốc tết Trung thu

Theo sách cổ thì Tết Trung thu bắt đầu từ đời nhà Đường, thời vua Duệ Tôn, niên hiệu Văn Minh. Nguyên vào năm đó, đêm rằm tháng Tám trời thật đẹp, trăng tròn sáng tỏ, gió mát hây hây, say cảnh đẹp của trời đất, nhà vua ngự chơi ngoài thành mãi đến trời khuya. Lúc đó, một ông già râu tóc bạc phơ trắng như tuyết chống gậy đến bên nhà vua. Trông người và theo cử chỉ, nhà vua đoán ngay là một vị thượng tiên giáng thế. Ông già kính cẩn chào nhà vua rồi hỏi:

- Bệ hạ có muốn lên cung trăng không?

Nhà vua liền trả lời là có. Vị tiên liền đưa chiếc gậy lên trời, hoá phép ra một chiếc cầu vồng, một đầu giáp cung trăng, một đầu ăn xuống đất. Tiên ông đưa nhà vua trèo lên cầu vòng, chẳng bao lâu đã đến cung trăng. Phong cảnh nơi đây thật đẹp, một vẻ đẹp khác xa nơi trần thế. Có những tiên nữ nhan sắc với xiêm y cực kỳ lộng lẫy, xinh như mộng, đẹp như những bài thơ hay, nhảy múa theo những vũ điệu vô cùng quyến rũ, đủ muôn hồng nghìn tía.

Nhà vua đang say sưa với những cảnh đẹp thì tiên ông đưa nhà vua trở lại cung điện. Về đến trần thế, nhà vua còn luyến tiếc cảnh trên cung Quảng và những giờ phút đầy thơ mộng nên để kỷ niệm ngày du Nguyệt điện, nhà vua đã đặt ra Tết Trung thu. Trong ngày Tết này, người ta uống rượu thưởng trăng nên còn gọi là Tết Trông trăng.

Trăng với trung thu

Tết Trung thu sơ khởi là Tết Trông trăng nên nói đến Tết Trung thu không thể bỏ qua trăng được. Trăng được in hình trên mặt bánh Trung thu, trăng được vẽ trên mặt đèn đêm rằm tháng Tám. Từ những năm tháng ở tiểu học, học sinh đã được dạy trăng là một hộ tinh của trái đất xoay quanh trái đất, mỗi vòng là một tháng theo âm lịch. Ta thấy được mặt trăng nhờ ánh sáng mặt trời chiếu vào. Tuỳ theo vị trí của trăng với mặt trời và quả đất ta thấy trăng khuyết hay tròn. Khi nào bóng quả đất che kín hết mặt trăng là có nguyệt thực mà người xưa gọi là Gấu ăn trăng. Người xưa đã đem chậu thau, mâm đồng, thanh la, não bạt ra gõ tới khi hết nguyệt thực, tức cho tới khi gấu sợ tiếng gõ ở trần gian phải nhả mặt trăng ra.

Những linh vật ở cung trăng

Trên cung trăng có nhiều linh vật thuộc quyền cai quản của Thái âm thần nữ. Những linh vật này đều hiền từ và ngoan ngoãn, trong số đó đáng kể nhất là con Thiềm thừ và Ngọc thỏ. Con Thiềm thừ là một giống cóc, đầu có sừng bằng thịt, bụng có vệt chữ bát màu đỏ. Tiền thân Thiềm thừ là nàng Hằng Nga, vợ chàng Hậu Nghệ, vua xứ Hữu Cung, có tài thiện xạ bách phát bách trúng. Hậu Nghệ có dịp lên vườn Lãnh Uyển, xin đức Giao trì Vương mẫu ban cho thuốc trường sinh bất tử. Mang thuốc về, Hậu Nghệ không uống ngay mà phải mang quân đi đánh giặc nên cất thuốc vào lò.

Ở nhà nàng Hằng Nga ăn trộm thuốc uống rồi sợ quá bay lên cung trăng ra mắt Thái âm thần nữ kể rõ sự tình, cầu xin thần che chở. Thái âm biến Hằng Nga thành con Thiềm thừ đem giấu ở một nơi kín đáo trong cung Quảng Hàn. Hậu Nghệ đi trận về thấy mất cả vợ lẫn thuốc tức giận lắm nên quyết tìm nàng cho bằng được. Thời ấy trên trời có mười mặt trời, nghi ngờ vợ trốn trong những mặt trời này nên Hậu Nghệ đã bắn rơi chín mặt trời nhưng vẫn không thấy vợ. Hậu Nghệ bớt lại mặt trời thứ mười để lấy ánh sáng ban ngày, cũng như chàng không bắn rơi mặt trăng vì ban đêm chỉ có một mặt trăng. Chàng cần ánh sáng ban đêm để đi tìm vợ nhưng vẫn không thấy Hằng Nga. Nàng vẫn biến hình ẩn núp trong cung Quảng cho tới ngày nay.

Con Ngọc thỏ

Ngày xưa có lúc mất mùa, người vật đều nhịn đói. Các loài vật khó kiếm thức ăn nên tàn sát lẫn nhau. Loài thỏ yếu đuối, không khí giới tự vệ, không dám thò đầu ra ngoài kiếm ăn. Chúng đành nằm một chỗ kín đáo cùng nhau nhịn đói. Đã đói lại rét, chúng rủ nhau tới một đống lửa do ai đốt sẵn và nằm quanh đống lửa nhìn nhau, mắt con nào cũng ươn ướt hoen lệ. Trước tình trạng não nề ấy, một con thỏ vì thương đồng loại đã nhảy mình vào đống lửa tự thui để những con khác có cái ăn cho đỡ đói. Vừa lúc đó, đức Phật đi qua, Ngài thầm khen nghĩa khí của con thỏ nên nhặt nắm xương tàn của nó, hoá phép cho nó thành hình khác toàn bằng ngọc thơm tho và trong sáng, đưa nó lên cung Quảng Hàn và xin cho nó được lưu lại ở đây.

Cây Đan quế

Ngoài các linh vật tại cung Quảng Hàn còn có bóng một cây mà ở trần gian nhìn lên ta thấy hình đen trên mặt trăng. Đó là cây Đan quế tức là cây quế đỏ. Theo sách Trung Hoa, cây này cao 105 mét, gốc lớn vô cùng, đường kính ước vài ba trượng. Cây sống hàng ngàn vạn năm. Gỗ và vỏ rắn như thép. Gốc cây có nhiều vết băm đổ vì quanh năm lúc nào cũng có người cầm búa bổ vào gốc cây. Đó là thằng Cuội nhưng theo người Tàu thì hắn là Ngô Cương. Xưa kia Ngô Cương đã tu tiên đắc đạo nhưng sau làm nhiều điều càn bậy trong chốn tiên cung nên bị đức Ngọc Hoàng nổi giận bắt đày xuống cung trăng, giao cho việc chặt và bóc vỏ cây Đan quế. Vỏ cây Đan quê cứng như thép nên Ngô Cương chặt không nổi. Bởi vậy cho tới ngày nay, Ngô Cương vẫn cố chặt và bóc vỏ cây. Bởi vậy người trần mỗi đêm trông lên lại thấy bóng chàng đang lúi húi ở gốc cây